Chú Giải Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXV Mùa Thường Niên (Lc 8,16-18) | Giáo Phận Phú Cường

Chú Giải Tin Mừng
Thứ Hai Tuần XXV Mùa Thường Niên
TIN MỪNG: Lc 8:16-18

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I : 1 Cr 3, 27-34

Trong mười lăm ngày tới, chúng ta sẽ đọc sách "Triết ngôn” của Cựu ước.

Dưới tên gọi này, người ta gom lại một số sách có tư tưởng đặc sắc về luân lý, triết học theo trào lưu tư tưởng của các lân quốc Israel.

Các châm ngôn khôn ngoan này (nói được là “lương tri”) là của chung mọi dân tộc.

Nếu chúng được đưa vào Sách Kinh Thánh, thì cũng nhờ các nhà hiền triết thu thập và sắp xếp lại : họ cho rằng tất cả sự khôn ngoan loài người đều phản ánh sự Khôn ngoan Thiên Chúa : Khi con người thông giỏi và khám phá được phần nào

Thượng Trí của Thiên Chúa.

Như bài tựa Tin Mừng Thánh Gioan nói, từ sơ khai cho đến bây giờ, loài người đều chịu ảnh hưởng của Ngôi Lời Thiên Chúa.

Đàng khác, các sách Triết Ngôn là những bài ghi chép cuối cùng của Kinh Thánh. Cựu ước, ngay trước khi Đức Giêsu, “Người Thiên Chúa" xuất hiện, và công cuộc trước tác Tân ước được khởi sự. Xuyên qua “thuyết nhân bản" rất đơn giản của họ, đã ngầm chứa lời quả quyết của công cuộc Nhập thể : Sự khôn ngoan thần thiêng đã thâm nhập các "châm ngôn"đơn sơ này của loài người. Nào tôi có biết lưu ý đến các trào lưu tư tưởng nhân loại của "thời đại tôi , đã khám phá ra chân lý của Thiên Chúa chứa đựng trong đó không ?

Hỡi con, khi có thể được, con đừng từ khước một việc nghĩa. nào cho người đáng được hưởng, nếu còn có thể cho ngay, thì đừng nói với người lân cận "đi đi, mai tôi sẽ cho anh ?”.

Người á Châu và Phi Châu tự nhiên sống các giá trị nhân loại này hơn các người Tây phương. Có, là họ cho ngay. Nhiều người không Kitô hữu , chung quanh ta, cũng sống thái độ liên đới sâu xa này.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận thấy người hiện diện trong đó... Cho dù, thường khi, họ không hay biết như vậy. Và xin giúp chúng con đem các thái độ rất nhân loại này, ra thực hành không những trong lúc làm việc bố thí, mà nhất là trong thái độ luôn sẵn sàng giúp đỡ : cho, nghĩa là hiến thân là phục vụ.

Đừng gây gỗ vô cớ với người khi nó không làm hại con. Đừng tranh chấp với người hung dữ, cũng đừng chọn con đường nó đi.

Đây còn là những châm ngôn hướng dẫn lương tri. Điều này có vẻ tầm thường. Nhưng cuộc sống thường nhật được kết dệt bằng các điều đó. Và Thiên Chúa mong đợi nơi ta điều đó. Trở nên một người sống "bình an" "tha thứ" “hòa giải” là : Tin Mừng đã đến gần rồi, và chính Đức Giêsu đã hiện diện trong các châm ngôn nhân loại. Chính là Đức Giêsu đang hiện diện mỗi khi con người sống thái độ này.

Tôi dùng thời giờ để suy nghĩ về đời tôi, để chiêm ngắm các giá trị của những người sống quanh tôi.

Bởi vì Giavê ghê tởm kẻ vạy vò, những Người lại thân tình với các người ngay chính.

Trong văn bản này, chưa thấy có ý niệm gì về “ Thiên Chúa”, tất cả nhắm đến thái độ của con người. Nhưng kìa, Người đó- Người đã hiện diện ở đó ? Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết lấy cuộc đời tầm thường chúng con làm quan trọng.

Bài đọc II : Er 1, 1-6

Trong hai tuần liên tiếp, chúng ta sắp đọc các trích đoạn của các sách Cựu ước kể lại thời kỳ tiếp liền cuộc trở về sau cuộc lưu đày tại Balylon. Năm 538, đế quốc Babylon sụp đổ dưới những chinh phạt của Xyrô, vua Ba Tư. Ông này công bố nộp sắc lệnh lừng danh, cho phép những người lưu đày hồi hương. Sau một cuộc tù đày khổ cực và lâu dài (từ 587 đến 538) người Do thái trở về quê mình, và vài nhân vật phi thường sinh hoạt “cuộc cải tổ ” : Nêhêmia, nhà kiến tạo…Edơra, tư tế…Haggai, Dacaria, các sứ ngôn…Người ta sắp bắt tay tái thiết đền thờ Giêrusalem, rồi các tường thành và nhất là người ta sắp tái tạo tâm hồn của cộng đoàn, quanh lề luật. Đây là một trong các thời vĩ đại của Do Thái giáo.

Năm thứ nhất triều đại Cyrô vua nước Persia, Chúa giục lòng Cyrô ra sắc chỉ trong khắp nước rằng : “ Ai trong các người thuộc về d6an Người. Xin Thiên Chúa của nó ở cùng nó. Nó hãy lên Giêrusalem và xây cất nhà của Chúa”...

Sắc lệnh này của Cyrô phù hợp hoàn toàn với nền chính trị hòa hợp và cởi mở mà triều đại Ba Tư này sắp khởi đầu. Thay vì khép vào ách đô hộ của mình các thành đã chinh phục được như vương quốc Babylon đã làm, Cyrô thử một cuộc “ phân quyền" : mỗi miền sẽ được độc lập phần nào, mỗi tôn giáo sẽ được tuân giữ.

Tác giả Kinh Thánh thấy trong sự cởi mở này, một sự linh ứng của Thiên Chúa. Đằng sau khía cạnh linh động của quyết định chính trị này, thực sự chúng ta có thể thấy được ở đó một "sự kính trọng con người”. Hoàn toàn đi trong đường lối kế hoạch hoàn cầu của Thiên Chúa. Cả NGÀY NAY nữa, các quyền lực, các nhóm áp lực, các nền văn minh mạnh, các ý thức hệ hợp thời, đang muốn áp đặt và thống trị mọi người.

Sắc lệnh của Cyrô có thể giúp chúng ta cầu nguyện cho việc

kính trọng các nhóm thiểu số.

Tất cả những người khác đang cư ngụ bất kỳ nơi nào, thì từ nơi mình ở hãy giúp họ bằng vàng bạc, của cải và báu vật, đừng kể những gì tình nguyện dâng cho đền thờ Thiên Chúa ở Giênlsalem.

Điều đó đi quá xa, nếu người ta không nghĩ tới một chút. Ông đòi dân Ba Tư, dân Babylon giúp người Do Thái tái thiết đền thờ của họ. Vậy sắc chỉ này vượt quá xa một sự giản dị xích gần lại của những văn hóa và tôn giáo đang chịu đựng lẫn nhau mà không biết. Có một nỗ lực đáng phục về sự “khác biệt” và ích lợi mang lại cho những cách suy nghĩ của người khác. Thời chúng ta với những bè phái ngày một nhiều, đây là một bài học luôn thời sự.

Nếu tôi biết có những người thực hành các tôn giáo khác với tôn giáo của tôi, tôi có thái độ nào đối với họ ?

Và niềm xác tín riêng của tôi ? Tôi có còn giữ đạo hoàn toàn bề ngoài không ? Hay tôi có đào sâu đức tin của tôi, để có thể chú ý hơn với những người khác đạt những người vô thần không ?

Các trưởng tộc thuộc chi họ Giuđa Bengiamin, các tư tế các thầy Lêvi và mọi người được Chúa thúc gục trong lòng, đều vùng dậy tiến lên, để xây cất đền thờ Chúa ở Giêrusalem.

Đừng ảo tưởng, chắc chắn đây là một " số nhỏ ” dấn thân như thế... những người tiên phong ! Số đông những người bị lưu đày sau năm mươi năm lưu lạc, đã định cư nơi đất lạ. Như thế, đây là một kiểu xuất hành mới bắt đầu. Họ phải gỡ mình ra khỏi các bảo đảm đã được, để lên đường mạo hiểm theo sự linh ứng của Thiên Chúa.

BÀI TIN MỪNG: Lc 8,16-18

Đức Giêsu nói cùng dân chúng rằng : “ Chẳng có ai thắp đèn, rồi lấy thùng úp lại hoặc đặt dưới gầm giường .

Thật vậy người ta thường nói, quan niệm thời nay rất chú ý đến lợi nhuận và hiệu năng. Nhưng ở mọi thời đại, con người đã nỗ lực làm cho các kế hoạch của mình đạt tới mức tối đa : Đó là một đặc tính của con người được Thiên Chúa tạo dựng. Phải, Đức Giêsu cũng nói : Khi người ta thắp một ngọn đèn người ta đặt nó tại vị trí tốt nhất, để nó cho ánh sáng tối đa.

Nhưng người ta đặt nó trên đế, để những ai vào nhà thì nhìn thấy ánh sáng.

Lạy Chúa Giêsu, con thích nhận ra Chúa là một con người nghiêng về thực hành luôn để ý đến hiệu năng.

Giữa thế giới ngày nay rất quan tâm đến lợi nhuận, xin giúp chúng con cũng hiểu rõ hơn giá trị mang tính nhân bản này đó cũng là đều Tin Mừng khuyến cáo rất mạnh :

Hãy trổ sinh hoa trái phong phú , nếu ta là một cây !

Hãy phát sinh một trăm, nếu ta là một hạt giống !

Hãy tỏa sáng chung quanh, nếu ta là một ngọn đèn !

Nhưng cần lưu ý : không được áp dụng đòi hỏi trên nguyên đối với kẻ khác ! Phần tôi, trong đời sống, mối lo lắng đích thực của tôi để “biến ánh sáng trở nên" sự soi sáng tối đa là gì ?

Vì chẳng có gì bí mật mà lại không bị lộ, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.

Thánh Luca ghi lại dụ ngôn này như một loại kết luận cho diễn từ của đức Giêsu : Theo đó, chính “Lời Chúa” là thứ ánh sáng cần phải đề cao giá trị tối đa.

Tôi có lo lắng quan tâm đến vấn đề này không ?

Đức Giêsu nghĩ đến lời nói của Người : khi Người loan báo trước. Một cử tọa nhỏ bé, trong số các môn đệ đầu tiên, thì những lời đó còn như một thứ ánh sáng "giấu ẩn”, nhưng Người cũng nhìn thấy trước ngày mà Tin Mừng sẽ được công

bố “giữa thanh thiên bạch nhật”.

Tôi có niềm tin như Chúa vào sức mạnh của ánh sáng đó không ? Đời sống và lời nói của tôi có loan Tin Mừng không ? Hay tôi chỉ giữ đức tin của tôi như một điều “ kín nhiệm " cá nhân ? Tôi có coi tôn giáo của tôi như một “việc riêng tư" không ? Chung quanh tôi, người ta có nhận ra tôi thuộc về Đức Kitô và nỗ lực theo Người không ? Đức tin của tôi đã được diễn tả ra bên ngoài thế nào, nhờ vào những dấu chỉ cụ thể mà mắt thường có thể nhận thấy được ?

Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe.

Đúng, bởi vì chính mình phải “là ánh sáng" trước khi muốn soi sáng cho kẻ khác. Và ánh sáng đó thuộc Thiên Chúa, nên trước tiên cần phải đón nhận nó.

“ Hãy để ý... anh em nghe". Có nhiều cách lắng nghe. Đặc tính của ánh sáng tùy thuộc vào thái độ chăm chú sẵn sàng này : trong một lớp học trẻ em, trong một nhóm nghe diễn thuyết, có mọi mức độ tiếp thu. Một số người ngủ gà ngủ gật, thái độ lơ đãng, nên sẽ không giữ được điều nào đã nói. Số khác cũng ở đó, với thái độ say mê tích cực, mắt nhìn thẳng vào người nói, trí hiểu luôn khởi động, cây bút trên tay để ghi chú sẵn sàng trả lời cho một câu hỏi được đặt ra.

Sự ham thích ánh sáng ham muốn Lời Chúa của tôi thế nào ? Tôi có dồn nỗ lực để hiểu biết lời Chúa hơn không ?

Thời gian tôi dành để học hỏi Lời Chúa ra sao ? Sự chú ý áp

dụng lời Chúa của tôi mang tính chất nào ? Sự chú ý đó có tăng thêm lợi ích nào không ?

Vì ai đã có thì được cho thêm, còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.

Phải, đó là một sự thật phổ thông do kinh nghiệm : người ta mất những ân huệ mà người ta không lo phát sinh hoa trái... người ta làm suy nhược gân cốt, nếu người ta không hoạt động. . . Người ta làm tắt dần đức tin, khi không còn thực hành đức tin nữa…

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Dụ ngôn cái đèn.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :

1. Dụ ngôn cái đèn kết thúc dụ ngôn người gieo giống, cốt để hiểu sự cần thiết phải thực hiện điều mình đã nghe. Điều này đòi hỏi chúng ta nghe Lời Chúa phải đem ra thực hành trong đời sống biến đổi đời mình thành bài giảng Tin Mừng cho người khác được biết.

2. Dụ ngôn cái đèn trình bày cho chúng ta rằng :

Lời Chúa là một hạt giống hay một chiếc đèn, chỉ nhằm sinh hoa trái hay soi sáng. Điều này gợi ý cho chúng ta : khi đã nghe Lời Chúa, đón nhận một chân lý, ta không có quyền làm thinh, một phải áp dụng chân lý đó vào cuộc sống cụ thể của mình, vì "chẳng ai đốt đèn rồi lấy cái thùng úp lên" hoặc đặt nó dưới gầm giường.

Cũng vậy, những chân lý mà vì hoàn cảnh Chúa đã phải rao giảng một cách bóng bẩy (dụ ngôn), phải che dấu phần nào, và thính giả chưa hiểu được, và chỉ có các môn đệ được giải thích rành mạch mà thôi, thì sau này, các ngài phải rao giảng rõ ràng, công khai cho mọi người. Điều này các tông đồ đã thực hiện khi Chúa Giêsu đã phục sinh và Giáo hội tiếp tục rao giảng qua các thời đại.

3. Kitô hữu, là những cây đèn của Chúa (Mt 5, 14), phải sáng lên và chiếu soi cho người khác bằng cuộc sống đức tin và cuộc sống thấm nhiễm tinh thần của Chúa như sống công bình, bác ác, hòa thuận, yêu thương…

4. Hình ảnh cây đèn gợi lên hạnh kiểm mà người Kitô hữu phải có : những hành động họ làm phải được biểu lộ ra và sáng soi cho kẻ khác.

Như vậy, trong Hội Thánh, Lời Chúa phải được loan truyền bằng trọn cả cuộc sống của những người đã lãnh nhận Lời Chúa.

Cách biểu lộ niềm tin cụ thể trong cuộc sống là rao giảng Tin Mừng. Trực tiếp hay gián tiếp, âm thầm hay công khai, rao giảng Tin Mừng không phải là một việc làm có tính cách tự do lựa chọn, mà phải là một đòi hỏi tất yếu bao trùm toàn thể cuộc sống người Kitô hữu.

Âm Thầm trong những bổn phận hằng ngày, hiện diện giữa môi trường xã hội, cuộc sống vui tươi, phục vụ, bác ái, nhẫn nhục theo tinh thần Tin Mừng của người Kitô hữu, chính là lời rao giảng hùng hồn trong niềm tin. Có biết bao người đang nhìn vào cuộc sống chứng tá ấy để còn hy vọng tìm ra được một lẽ sống một ý nghĩa cho cuộc đời.

5. Kiểu nói "ai đã có thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất" có nghĩa là những người giàu thì giàu nữa, những người nghèo thì nghèo thêm. Người ta càng thực hiện một cách trung thành những gì đã nghe từ Lời Chúa. Người ta càng đạt tới mức trưởng thành Kitô hữu.

Và càng thực hiện Lời Chúa, càng ít trở thành men trong cuộc sống. vì vậy việc hiểu Lời Chúa mà không đem ra thực hành thì sẽ trở thành trừu tượng và không có hiệu quả trong cuộc sống hằng ngày.

6. Bài Tin Mừng hôm nay như là một lời cảnh giác về thái độ của chúng ta khi nghe Lời Chúa.

Chúng ta hãy xin Chúa ơn biết nghe, hiểu và thực thi Lời Chúa, để hôm nay đời ta đầy giá trị tông đồ, và mai ngày ta được nghe lời khen thưởng của Chúa : "Hãy vào vui hưởng với chủ ngươi".

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.